Nói đến món gan ngỗng của Pháp ,bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của gan ngỗng ngay trên đầu lưỡi. Vị của gan không gắt, không hăng, một vị béo nhẹ phảng phất không để lại cảm giác ớn, ngậy. Chút xốt giấm đen phết trên miếng gan mang vị chua có mùi thơm the ẩn giấu của húng quế, húng lủi, thêm miếng xoài vàng ươm chua ngọt sẽ đẩy cái ngon lên đến tận cùng.
Món gan ngỗng áp chảo thường dùng kèm với bánh mì cắt lát. Ngon nhất là loại bánh mì đặc ruột, nướng qua để lớp mặt se lại, bánh có độ giòn nhẹ nhưng không cứng, phần ruột vẫn xốp mềm.Thức uống đi kèm với gan ngỗng nên là một loại rượu champagne hoặc vang trắng nhẹ.
Món gan ngỗng của Pháp hầu như chỉ hiện diện ở những nhà hàng cao cấp đạt chuẩn quốc tế, bởi không phải nhà hàng nào cũng có thể phục vụ được món ăn trứ danh này. Đây không chỉ là một món ăn thơm ngon mà còn cung cấp nhiều protein, có thể sánh ngang với các loại nổi tiếng bổ dưỡng như yến sào hay lộc nhung hươu nai.
Gan ngỗng béo (tiếng Pháp: le foie gras) là phần gan lớn quá cỡ của vịt hoặc ngỗng đã được vỗ béo đặc biệt bằng ngô hoặc các loại ngũ cốc khác. Người ta nuôi vịt, ngỗng ở trang trại theo một chế độ nghiêm ngặt, đặc biệt là giai đoạn cho ăn vỗ béo trong hai tuần vào tháng thứ ba, nhờ đó, gan sẽ sản sinh ra mỡ. Gan ngỗng nổi tiếng nhất được sản xuất ở vùng Périgord – tây nam nước Pháp.
Theo các tài liệu nghiên cứu, món ăn đặc biệt này đã có mặt trong bữa ăn của người dân Ai Cập cổ đại từ cách đây hơn 4500 năm. Món ăn này sau đó được Christopher Colombus giới thiệu sang châu Âu vào thế kỷ XV và nhanh chóng trở thành cao lương mỹ vị trong giới quý tộc thời trước.
Đến thế kỷ XIX, gan ngỗng béo của Pháp trở nên rất nổi tiếng nhờ vào công nghệ đông lạnh và các kênh phân phối rộng rãi. Từ đó, gan ngỗng béo trở thành một phần không thể tách rời của di sản văn hoá và ẩm thực Pháp.Gan ngỗng thường được biết đến với món pate danh tiếng. Nhưng nếu có dịp thử qua gan ngỗng tươi áp chảo thì bạn mới thấy hết hương vị tuyệt hảo của món ăn được mệnh danh là “hổ phách nâu” này.
Vì gan ngỗng tự thân đã là một thực phẩm thượng hạng, nên khi chế biến, việc thêm vào bất cứ loại nguyên liệu nào khác cũng phải được tính toán cẩn thận. Thông thường, người đầu bếp chỉ rắc thêm chút muối, tiêu, rau mùi có hương thơm nhẹ và chiên áp chảo cùng chút rượu ngon như cognac, armagnac. Miếng gan được áp chảo đúng độ lửa có màu vàng sậm, lớp bao ngoài hơi giòn nhưng bên trong vẫn mềm mại, béo ngậy, như tự tan ra khi đầu lưỡi bạn khẽ chạm vào.
Ăn gan ngỗng cũng có những quy tắc phức tạp để xứng với một món ăn thượng hạng. Gan phải được giữ lạnh cho đến trước giờ áp chảo, sau đó được cắt bằng dao nhúng nước nóng và mỗi khẩu phần không quá 70g.
Khẽ hớp một ngụm rượu Sauterne ướp lạnh, bạn sẽ có cảm giác mình đang thưởng thức cả bản giao hưởng và hương vị cứ vấn vương nơi đầu lưỡi.
Thoạt nghe gan ngỗng béo người ta nhầm tưởng nó rất nhiều chất béo và năng lượng, thế nhưng theo phân tích của các nhà dinh dưỡng thì gan béo chứa nhiều acid béo không bão hòa, và được khuyên dùng trong thực đơn của chúng ta bởi nó có thể hạ tỷ lệ cholesterol xấu. Các vùng tiêu thụ nhiều gan béo, mỡ vịt và trái cây ngâm giấm là những nơi có tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch thấp hơn những vùng khác. Phải chăng đây chính là “bí quyết sống lâu” của những người dân vùng tây nam nước Pháp.
Cách chế biến để món gan ngỗng áp chảo ngon như sau: Gan phải được cắt với độ dày non một phân, ướp với chút muối sau đó áp chảo. Khi áp chảo lửa phải canh thật chính xác, quá lửa gan sẽ cháy và không còn độ béo vì mỡ trong gan sẽ mất, thiếu lửa thì gan không chín tới. Miếng gan phải được trở đều sao cho hai mặt vừa vàng sậm, lớp gan bên ngoài áp trực tiếp vào chảo sẽ hơi giòn, nhưng bên trong vẫn mềm mại.
Xốt được làm bằng giấm balsamic, một lít giấm phải tốn nhiều công để cô đặc lại còn một phần mười, sau đó tiếp tục nấu với rau húng quế, húng lủi. Nhờ vậy mà xốt giấm đen có hương vị và sắc màu đậm đà phương Đông.Rất hợp với các thứ trái cây nhiệt đới như xoài, thanh long, thơm được dùng kèm nhằm tăng khẩu vị cho món ăn không ngán.