Con người khi làm việc quá nhiều, cứ suốt ngày suy nghĩ, tính toán thì sức sống, năng lượng được huy động tối đa (lao lực), dẫn đến suy nhược cơ thể. Đồng thời con người có những tính khí nóng nảy, lo lắng, sợ hãi, dễ gây gỗ thì đó là biểu hiện của suy nhược về tâm thần (lao tâm). Để sống khỏe thì không nên quá lao tâm, lao lực.
Vậy liệu pháp nào để “làm việc nhiều mà… ít mệt”? Theo tôi chúng ta không nên làm cho não mệt, chỉ nên tập trung làm những công việc mình yêu thích. Khi tập trung làm công việc mình yêu thích thì vùng não (tương đương với việc đó) hoạt động còn các vùng não khác sẽ được nghỉ ngơi. Đồng thời cũng không nên cố sức làm tới cùng một công việc nào đó mà làm đến một mức độ vưa phải rồi làm một việc khác để cho vùng não chú ý vào việc trước đó được nghỉ ngơi và kích hoạt vùng não khác (khi ta chú ý vào việc khác) hoạt động. Và cứ thế xoay vần từ việc này qua việc khác để các vùng não đươc làm việc, nghỉ ngơi… như thế sẽ không căng thẳng mà lại làm được nhiều việc. Tất nhiên khi làm một việc gì chúng ta chỉ nên để tâm đến việc mình đang làm, chỉ biết việc ấy chứ đừng suy nghĩ tùm lum, đó là trạng thái “thiền định”. Còn với một người không làm việc gì thì có thể tập thiền theo cách biết hơi thở, bước đi nghĩa là chúng ta hướng duy nhất một vùng não hoạt động (hô hấp hay cử động đi) chứ không kích hoạt toàn bộ bộ não nghĩ lung tung. Do vậy tôi cho rằng người trí thức khi làm việc chú tâm, biết việc mình làm thì cũng giống như… thiền sinh.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm liệu pháp để giảm căng thẳng là không nên suy nghĩ nhiều. Theo tôi người càng suy nghĩ nhiều, càng đăm chiêu là người càng yếu về tinh thần. Chính vì vậy khi gặp những việc khó khăn chúng ta không nên cố ép mình phải nghĩ rồi bế tắc, lo sợ mà nên ngủ nghỉ, đi chơi. Sau khi ngủ nghỉ xong chúng ta sẽ có cách giải quyết hay hơn là cố bắt bộ não phải nghĩ. Hãy thương bộ não của mình, đó là điều mà tôi muốn chia sẻ. Các bạn đừng bắt bộ não chứa nhiều, đừng ham thu thập, nhận tất cả những cái xung quanh mà hãy nhận những cái mình thích và cần thôi. Phải học cách biết quên để không nhớ quá nhiều vì nhớ đủ thứ chuyện, thu thập đủ thứ chuyện thì toàn bộ não phải làm việc. Điều này dễ dẫn đến căng thẳng. Có những chuyện chẳng hay ho gì, những chuyện ở đâu đâu chúng ta cũng hay vơ vào mình, “save”(lưu) vào trong não, đó là những “chất độc” và hóa ra chúng ta đang đầu độc bộ não của mình. Bộ não của con người cũng giống như các ổ đĩa trong máy tính, nếu chúng ta lưu nhiều thì nó sẽ đầy, sẽ mệt mỏi, chậm chạp, đến lúc bệnh. “Lưu” mà không biết chọn lọc thì sẽ gặp phải… virus vào phá hỏng bộ não. Do vậy mọi người không nên ôm đồm nhiều thứ từ việc học đến việc làm cũng vậy vì làm não mệt moi dẫn đến thể xác và tâm thần đều bệnh!
Thêm một vấn đề nữa đó là buồn, giận, yêu thương, lo lắng, sợ sệt… đều có lợi cho sức khỏe. Lâu nay chắc các bạn nghĩ rằng chỉ có vui mới có lợi cho sức khỏe? Tuy nhiên phải lưu ý là những trạng thái tinh thần trên chỉ có lợi khi những yếu tố đó loãng, nếu nó đậm đặc thì sẽ có hại. Ví dụ như khi các bạn vui vui thì sẽ cảm thấy hạnh phúc nhưng nếu quá vui mà không có điểm dừng thì lại có hại. Tương tự, lo lo thì được nhưng nếu quá lo thì sẽ làm bấn loạn tinh thần. Và sợ, buồn… cũng vậy! Khi vui, buồn, lo, giận, sợ… tất cả những thứ này đều cần phải được biểu hiện, không được nén những thứ đó lại vì như thế sẽ sinh bệnh. Khi ai đó buồn muốn khóc tôi luôn để họ khóc, thậm chí khóc theo, bảo họ khóc nữa đi…, bởi khóc là con đường giải tỏa buồn bực. Nén khóc là bệnh đó. Đồng thời người bên cạnh (bạn bè, người thân,…) cũng cần có sư đồng thuận với những cảm xúc của người đang vui, lo, buồn… để làm cho tình trạng tâm lý đang có không kết dính và trở nên đậm đặc.
Cuối cùng, điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn là nghệ thuật chính là vị thuốc quý của tâm hồn, nó chuyển nỗi đau thành hạnh phúc. Vì vậy thưởng thức thơ, nhạc, họa là cần thiết, đặc biệt là khi thơ, nhạc, họa ấy phù hợp với tâm trạng sẽ làm cho con người vơi bớt ưu tư, lo lắng, hay mệt mỏi, muộn phiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét