25 tháng 7, 2008

Nấm Linh Chi và Nhân Sâm

Từ hơn 4000 ngàn năm trước, ở Trung Quốc, nấm Linh Chi đã được coi như một loại thần dược chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa. Vì thế Linh Chi còn có nhiều tên gọi khác nhau như : Bất lão thảo, Thần tiên thảo, Vạn niên, nấm Thần Lim... Ngày nay, nấm Linh Chi đã được khai thác, trồng trọt và chế biến thành các sản phẩm đắt giá với quy mô công nghiệp.
Một loại dược thảo thiên nhiên khác đó là nhân sâm, một loại rễ cây có hình dáng hơi giống cơ thể con người. Từ lâu, nhân sâm được gán cho nhiều đặc tính bồi bổ sức khoẻ và trị liệu bệnh tật, kể cả việc cứu sống sinh mạng con người mà hiếm có loại dược thảo nào sánh kịp.
Mỗi năm, thế giới tiêu thụ hàng trăm tấn Linh Chi, Nhân Sâm dưới dạng thực phẩm, hay dược phẩm. Nhờ khả năng làm gia tăng tính miễn dịch của cơ thể, Linh chi và Nhân sâm đã góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu ngăn ngừa, điều trị AIDS, ung thư, tim mạch, tiểu đường, hô hấp... những căn bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong khi giới y học chưa có biện pháp phòng chống, chữa trị hiệu quả, nếu không muốn nói là vô phương cứu chữa.
Có bao nhiêu loại nấm Linh Chi ?
Theo “Thần Nông bản thảo kinh” viết cách đây hơn 2000 năm thì loại nấm hoang thường mọc ở những vùng rừng núi Á Đông ẩm ướt có tác dụng chữa bệnh kỳ diệu chính là Linh Chi. Đời Minh, nhà y dược học Lý Thời Trân trong “Bản thảo cương mục” cũng đã nói: “Linh Chi có tác dụng tối ưu hóa quá trình tuổi, tức là làm cho cơ thể khỏe mạnh, lâu già, tăng tuổi thọ. Như dân gian đã có câu: “Linh Chi dùng lâu ngày, mình nhẹ, trẻ mãi như thần tiên”.
Linh Chi là loại nấm gỗ có tên khoa học là Ganoderma licidum. Về hình thức, đó là một loại nấm có mũ đính bên, quả thể nấm khi non thường có màu trắng, sau thành vàng đến màu nâu nhạt. Theo đông y, tên của Linh Chi có thể đặt tùy theo màu sắc của nó: Bạch chi - màu trắng, Hoàng chi - màu vàng, Thanh chi - màu xanh... Mỗi màu đặc trưng cho một tác dụng dược lý khác nhau. VD: Thanh Chi có vị chua, không độc, chữa sáng mắt,, bổ gan, khí an thần, tăng trí nhớ. Hồng Chi, màu đỏ, vị đắng, không độc, tăng trí nhớ, dưỡng tim. Hoàng Chi, vị ngọt, không độc, an thần, tích tỳ khí. Bạch Chi, vị cay, không độc, ích phổi, thông mũi, cường ý chí, an thần. Hắc Chi vị mặn, không độc, trị chứng bí tiểu, ích thận. Tử Chi vị ngọt không độc, trị đau nhức khớp xương - gân cốt...
Theo nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới: trong quả thể cũng như khuẩn ty nấm có gần 100 chất. Các nhóm chất và các chất có hoạt tính sinh học là: Protein, polysacchrrid, tritepen, steroid, alcaloid, nucleotid, axit béo, enzim kháng sinh và các nguyên tố khoáng. Đặc biệt có các hoạt chất quý: axit gannoderic, sesium, gecmanium (lớn gấp 20 lần ở nhân sâm)... Về mặt hoạt tính dược lý: Các hoạt chất thuộc nhóm axit béo có khả năng ức chế giải phóng Histamin. Nhóm nucleotid ức chế kết dính tiểu cầu, thư giãn cơ, giảm đau. Nhóm protein chống dị ứng phổ rộng, điều hòa miễn dịch. Nhóm alealoid trợ tim. Nhóm sterois giải độc gan, ức chế sinh tổng hợp cholesterol. Nhóm polisaccherrid hạ đường huyết. Nhóm polisacc chống ung thư tăng tính miễn dịch, tăng tổng hợp protein, tăng chuyển hóa axit nucleic và trợ tim. Nhóm triterpen hạ huyết áp ức chế ACE bảo vệ gan, chống khối u. Linh Chi có tác dụng làm tăng hệ thống miễn dịch, chống các tế bào lão hóa, khử các gốc oxy tự do, sửa chữa cấu trúc ADN (gen) bị hỏng, trung hòa các chất độc, bảo vệ gan ngừng tổng hợp cholesterol, trung hòa virus, ức chế một số vi khuẩn gây bệnh, tác động vào trung ương thần kinh, làm giảm đau và phục hồi những dây thần kinh đã bị hỏng và kéo dài tuổi thọ (Willard 1990). Mặt khác Linh Chi còn khắc phục được những tác dụng có hại của hóa trị liệu và liệu pháp chiếu tia trong điều trị ung thư (Kupin 1993). Ngoài các tác dụng đã được chứng minh từ lâu đối với các bệnh ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dầy, gần đây người ta còn thấy nó có tác dụng với ung thư tử cung, ung thư khoang miệng, ung thư đại tràng, ung thư gan... Đặc biệt nếu kết hợp với hóa trị liệu thì sẽ có kết quả nhanh hơn. Vì vậy mà từ năm 1993 chính phủ Nhật Bản đã chính thức đưa Linh Chi vào điều trị ung thư tại các trung tâm chống ung thư. Năm 1998, Nhật Bản đã thành công vào việc chữa trị khối bệnh cho 300 bệnh nhân bằng nấm Linh Chi, dựa trên nguyên tắc điều hòa miễn dịch mà không có một tác dụng phụ nào (Side - effects). Ông Morishige - giáo sư tiến sĩ y khoa của Nhật đồng thời cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này đã nói: “Tôi chưa thấy một chất nào có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư như nấm Linh Chi”. Ở Trung Quốc, các bệnh viện lớn cũng đã dùng Linh Chi để điều trị bệnh, đặc biệt các bệnh như: ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hô hấp... Tại bệnh viện Sơn Đông (Trung Quốc) các bệnh nhân bệnh gan và tiết niệu cũng đã được điều trị bằng chế phẩm Linh Chi. Người ta cho bệnh nhân ăn “súp” Linh Chi để giải độc và bổ gan có kết quả trên 90% cho 70.000 trường hợp. Tại đây các bác sĩ còn cho biết: nấm Linh Chi bóng có tác dụng tốt trên đường tiết niệu, điều hòa rối loạn tuần hoàn não, tránh các cơn kịch phát nghẽn và làm dịu thần kinh.
Trong việc thử nghiệm chế phẩm Linh Chi nơi phòng thí nghiệm và trên lâm sàng. Tại phòng thí nghiệm, khi lấy nước chiết từ quả thể, và sinh khối nấm Linh Chi đun dịch chiết, cho khuếch tán trên thạch đĩa, với vi khuẩn kiểm định là G+ và G- đã cho thấy hoạt tính kháng sinh ở quả thể và sinh khối nấm Linh Chi khá mạnh, có khả năng ức chế vi khuẩn G+, G-. Đặc biệt Linh Chi sinh khối cho vòng kháng khuẩn to và rõ nhất. Thực tế, hiện nay trong y học có nhiều loại vi khuẩn đã kháng lại nhiều loại thuốc làm ảnh hưởng tới việc điều trị của bác sĩ, nhưng khi đem thử khả năng chống vi khuẩn của Linh Chi đối với một số vi khuẩn gây bệnh như : Staphylococus aureus gây nhiễm trung máu, Salmonella vi khuẩn gây bệnh thương hàn, Bacillcus, gây độc tố nhiễm độc thức ăn thì kết quả cho thấy kháng sinh của quả thể và sinh khối Linh Chi đã ức chế được các vi khuẩn gây bệnh kể trên. Nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Willard và Fones 1990 cho thấy nước chiết từ quả thể nấm Linh Chi ức chế vi khuẩn Streptococus (tụ cầu khuẩn), Staphylocous, Bacillus pneumoniec (vi khuẩn gây viêm phổi). Về độ độc tính củasinh khối Linh Chi khi thí nghiệm trên chuột nhắt trắng có trọng lượng 18-20 gam, cho chuột uống liều 160g/kg, trọng lượng gấp 800 lần liều dùng cho người mà chuột vẫn không chết. Điều đó chứng tỏ thuốc không có aflatoxin và có độ an toàn cao về độc tính cấp. Đối với lâm sàng: thử trên 300 người, bị các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, tâm thần, động kinh, khối u, ung thư... kết quả Linh Chi có tác dụng tốt với các loại u như: u vú, u tử cung, u gan, u dạ dày, u não, u vòm họng, u đa tủy, tăng bạch cầu cấp, và một số bệnh nhân viêm gan siêu vi trùng. Một số tác dụng khác như say tàu xe, ngộ độc thức ăn, say rượu...
Hiện nay, trên thị trường thế giới đã có bán nhiều loại nấm Linh Chi của Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, kể cả của Mỹ... sản xuất, tuy nhiên giá thành rất cao. Một kilô nấm Linh Chi khô có giá xê dịch từ 50 đến 100 Mỹ kim, tùy theo chất lượng. Hiện nay, ở nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,... đã sản xuất Linh Chi theo phương pháp nuôi trồng nông nghiệp. Tuy nhiên chất lượng của nấm còn phụ thuộc vào việc nuôi trồng nấm trên loại gỗ gì, chủng loại nấm cũng như thời gian thu hoạch. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mỗi năm Nhật Bản thu được 350 triệu USD từ nấm Linh Chi cũng như các chế phẩm của nó. Ngay cả Trung Quốc được coi là nước sản xuất nấm Linh Chi lớn nhất trên thế giới thế mà vẫn có nhu cầu nhập thêm để sử dụng. Ở Nhật Bản, giá 1kg nấm Linh Chi khoảng 200-350 USD, ở Nam Hàn 100 USD, ở Đài Loan có người đã phải mua tới giá cao hơn gấp 10 lần, tức từ 3.000 - 8.000 USD.

Tác dụng y dược của Nhân Sâm




Năm 1833, giới y học dành cho nhân sâm một chỗ đứng trong bảng phân loại dược thảo, với tên khoa học là Panax. Từ Hy Lạp pana có nghĩa “tất cả”, còn axos có nghĩa là “chữa trị”. Do một sự trùng hợp thú vị, từ panax với từ panacae (thuốc trị bách bệnh) có cùng một nguồn gốc. Một văn bản y học Trung Hoa cổ vào thế kỷ V có liệt kê những tác dụng trị liệu của nhân sâm: tăng cường sức mạnh của nội tạng (gan, thận, tim, phổi, tuyến tụy) có tác dụng an thần, chống lại mệt mỏi, suy nhược, nhức đầu, kiệt sức, đổ mồ hôi, tăng cường sức đề kháng với viêm nhiễm và bệnh tật, tăng cường thị lực và khả năng hoạt động tinh thần, kéo dài tuổi thọ... Mới đây, một cuộc nghiên cứu khoa học đã bổ sung cho nhân sâm nhiều tác dụng mới: cấu tạo hồng cầu, bảo vệ cơ thể chống lại chứng thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh tim, gia tăng sự tiết dịch của cơ thể chống lại bệnh tiểu đường, bình thường hóa hoạt động của phổi, tăng cường hệ thống dạ dày - ruột, ngăn ngừa bệnh tiêu chảy, táo bón, phòng ngừa sự sưng tấy, viêm nhiễm và những bệnh về da, kích thích tiết hormone để tạo dễ dàng cho việc điều trị các bệnh phụ khoa như đau bụng lúc hành kinh, những triệu chứng của tuổi mãn kinh. Gần đây nhứt, những thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Nhật trên những người mắc bệnh ung thư (đã qua nhiều lần chiếu tia X và hóa liệu pháp) cho thấy nhân sâm giúp bệnh nhân bình phục nhanh, làm gia tăng cơ may sống sót của họ bằng cách khử độc gan và phục hồi khả năng thanh lọc độc tố trong máu của bộ phận này.
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào giải thích được những tác dụng trị liệu kỳ diệu đó của nhân sâm? Trong Tây y, vẫn còn một số người xem thường nhân sâm, coi đó như sự lừa bịp của hai thiên niên kỷ tiền khoa học đầy chuyện lố lăng. Tuy thế, nhiều thầy thuốc và nhà nghiên cứu được đào luyện theo Tây y vẫn công nhận tác dụng bồi dưỡng và trị liệu của nhân sâm. Họ đưa ra những lời giải thích về hóasinh, chiết xuất các thành phần của nhân sâm và đặt cho chúng những cái tên đầy tính... nhân sâm: ginsenoside, panaixin, panquilan... Họ nghiên cứu tác dụng của chúng với hệ nội tiết, hệ tuần hoàn và sự sinh sản chất tủy xương. Còn đối với đa số người Á Đông tin tưởng vào công hiệu của nhân sâm thì nguồn gốc sức mạnh của nhân sâm nằm ở... đất. Khoa vũ trụ học của người Trung Hoa cổ coi toàn bộ vũ trụ bị chi phối bởi một sinh lực gọi là chi. Sinh lực này tập trung dưới lòng đất và giải thích tại sao người Trung Hoa và người Cao Ly xưa rất quan tâm đến nơi tống táng những người thân. Họ tin rằng xương cốt của tổ tiên, cha mẹ họ được tống táng ở vùng đất tốt sẽ giúp cho họ thành đạt trong cuộc sống. Chính điều này giải thích nguồn gốc sức mạnh của nhân sâm...
Ở Cao Ly, những người dân sơn cước chuyên tìm sâm được gọi là Shimmani. Trong tiếng Đại Hàn cổ, Shim có nghĩa là nhân sâm, còn maini trong tiếng Phạn có nghĩa là to lớn. Shimmani là những con người lãng mạn, hào hùng, việc làm của họ được ghi nhận trong nhiều huyền thoại và chuyện kể dân gian. Trước khi đi tìm nhân sâm, họ phải tẩy sạch cơ thể bằng cách tắm trong những khe suối trên núi cao và cầu nguyện Sanshil-Ryung (thần núi). Họ tin rằng chỉ có một tấm lòng trong sạch mới đưa họ đến với nhân sâm. Họ cũng phải tránh giao hợp với phụ nữ, không ăn những con thú bốn chân và không giết chết bất cứ một sinh vật nào. Rồi họ kiên trì chờ thần núi hiện ra trong mơ và chỉ cho họ nhân sâm ẩn kín nơi nào trong núi. Khi được sự hướng dẫn của Thần núi, các Shimmani đi tìm sâm vào ban đêm, định vị sâm nhờ ánh hào quang của nó phát ra và dùng một cây gậy đánh dấu nơi có sâm. Sáng hôm sau, sau một loạt nghi thức để cảm tạ thần núi, họ bắt đầu đào lấy củ sâm, một công việc hết sức tinh tế để tránh làm tổn thương, dù là một sợi rễ nhỏ nhất. Xong việc, các Shimmani đặt củ sâm đào được trong một chiếc hộp bằng gỗ và đi xuống núi, tránh không nói chuyện với ai. Có một điều cấm kỵ, đó là các Shimmani không được mang theo bất cứ thứ vũ khí nào trừ gậy, dù họ dễ dàng bị thú dữ hay bọn cướp rừng đe dọa. Bù lại, nếu thoát được những hiểm nguy trong hành trình đi tìm sâm, các Shimmani sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Chỉ cần bán một củ sâm hàng trăm năm tuổi còn nguyên vẹn, một Shimmani có thể nuôi sống cả gia đình một năm liền. Do nhu cầu về nhân sâm ngày càng tăng cao mà các Shimmani mỗi ngày phải đi xa hơn trong rừng sâu mới có sâm, nên ngày nay phần lớn sâm trên thị trường nội địa tại Nam Hàn hay xuất khẩu ra nước ngoài đều là sâm do con người trồng trọt. Để tránh cho cây sâm không phải tiếp xúc trực tiếp với mưa, nắng và gió, các nông gia Nam Hàn trồng chúng dưới những nhà lợp tranh xếp thành từng hàng dài, nhất là ở đảo Kanghwa. Sâm trồng cần từ 4 đến 6 năm để trưởng thành. Chúng hút hết mọi chất dinh dưỡng từ đất đến mức hàng chục năm sau khi thu hoạch xong, không có loại cây nào còn có thể sinh sống được trên đất đã trồng sâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét