Bì cuốn
Ưu điểm của món bì cuốn này là nhiều rau xanh, da heo và tai heo giòn, không ngán. Bên cạnh các món ăn ngày Tết nhiều chất béo thì bì cuốn là một sự lựa chọn thú vị để bạn không bị tăng cân sau dịp Tết.
Nguyên liệu :
Da heo (lợn) 200g, tai heo 1/2 cái, thịt bò 100g, bánh tráng mỏng, gia vị, củ riềng, rau xà lách, các loại rau thơm.
Cách làm :
Da heo lấy sạch phần mỡ thừa, tai heo làm sạch. Tất cả luộc chín và thái sợi mỏng. Thịt bò chọn loại thịt thăn cho mềm, nêm sơ một chút bột nêm, hấp chín. Riềng thái sợi. Trải miếng bánh tráng ra, lần lượt xếp xà lách, rau thơm, tai heo, da heo, vài sợi riềng, thịt bò và cuộn chặt tay.
Thêm một chút nước mắm chua ngọt, món ăn sẽ thêm phần đậm đà. Pha 1 muỗng mắm với 1 muỗng nước sôi, 1 thìa đường, ½ thìa dấm (hoặc chanh tươi) và một ít tỏi. Trộn đều. Thêm cà rốt xắt sợi và nước tương ớt khi dọn ăn
Khi ăn, cắt cuốn bì ra thành miếng vừa ăn.
Món bì cuốn này không có bún và dưa leo giống như các món cuốn truyền thống nên bạn sẽ thoải mái ăn no mà không sợ nặng bụng.
Một chút sáng tạo sẽ cho một món ăn mới, lạ và rất ngon miệng. Lớp bánh tráng mỏng quấn bên ngoài được thay bằng bánh đa. Đây sẽ là món khai vị vô cùng hấp dẫn cho bữa tiệc Tất niên của gia đình bạn.
Nguyên liệu:
Bánh đa 1/2 cái, tôm tươi 200g, cua 1 con, giò sống, cá thác lác, khoai môn, muối, tiêu, nước mắm…
Cách làm:
Bánh đa (bánh tráng nướng) chọn loại có nhiều mè (vừng) nhúng nước, để ráo, cắt miếng khoảng 15cm x 5cm. Tôm luộc chín, bóc vỏ, chẻ đôi bỏ chỉ đen. Khoai môn gọt sạch, thái chỉ. Cua luộc chín gỡ lấy phần thịt, giò sống, cá thác lác quết thật mịn. Tất cả nêm gia vị vừa ăn. Lần lượt đặt tôm, thịt cua, giò sống, cá thác lác, khoai môn vào 1/2 miếng bánh đa và gập lại, bỏ vào chảo dầu nóng, chiên vàng.
Trang trí vài lá xà lách trên đĩa, bày từng miếng nem lên trên. Món ăn này cần ăn nóng để cảm nhận độ giòn của bánh đa và vị béo, bùi của mè đen.
Món ăn này không thể thiếu nước chấm là nước tương đậu phụng và ớt satế.
Vả trộn tôm thịt
Vả trộn tôm thịt là món ăn đặc trưng của người Huế với nguyên liệu chính là trái vả. Và là loại trái cùng họ với sung nhưng lớn hơn. Món ăn này có ưu điểm là không ngán, ít chất béo nên rất thích hợp trong các bữa cơm ngày Tết.
Nguyên liệu:
Vả 4 quả, tôm tươi 100g, rau răm, mè, ớt trái, gia vị.
Cách làm:
Vả đem luộc chín. Gọt lớp vỏ ngoài rồi thái mỏng theo chiều dọc thân quả. Tôm tươi luộc chín bóc vỏ và chỉ đen để ráo. Rau răm rửa sạch thái rối. Trộn tất cả hỗn hợp tôm , vả, rau răm cùng chút nước mắm, tiêu, bột nêm… Sau đó rắc hạt mè và bày tôm tươi lên trên cho đẹp mắt.
Thưởng thức:
Dùng bánh tráng mè xúc từng miếng gỏi vả trộn tôm thịt, chấm nước mắm chua ngọt. Miếng vả dai, thơm và ngọt tự nhiên. Nếu thích, bạn cũng có thể thêm một ít thịt ba chỉ thái nhỏ vào để món ăn thêm ngon hơn. Bạn cũng có thể thay thế nguyên liệu trái vả bằng những múi mít non, món ăn cũng sẽ rất hấp dẫn và ngon miệng.
Gỏi rau muống trộn bò tái chanh
Món gỏi chua ngọt này có thể được dọn ăn trong các bữa cơm gia đình hay tiệc tùng đều hợp. Muốn gỏi được ngon . Rau muống phải non , thịt bò mềm và không có gân xơ. Nguyên liệu:
1 bó rau muống
1 củ hành tây nhỏ
2 thìa đường
1 thìa giấm
1 nắm rau răm
500 g thịt bò mềm
2 muỗng nước mắm
1 quả chanh
hành phi
Cách làm:
Nhặt sạch lá rau muống và chẻ thành sợi nhỏ, dài 5cm. Ngâm trong nước muối, sửa sạch, vớt để ráo. Xắt hành tây thật mỏng, ngâm giấm đường trong 15 phút rồi vắt ráo.
Để nguyên khối thịt bò, chiên trên lửa lớn sao cho lớp ngoài ngả vàng nhưng vẫn tái bên trong (như thịt bit-tết). Xắt thịt thành lát mỏng, ngâm với nước mắm pha chanh và đường trong 15 phút.
Trộn chung rau muống, rau răm cắt nhỏ, hành tây, tịt bò và hành phi. Rắc tiêu lên trên và dọn ăn ngay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét