Mực thường ôm trứng khoảng qua tết cho đến tháng 2 – 5 âm lịch. Khi câu được mực có trứng, người ta xẻ mực phơi, những bộ trứng được gom lại để quết với trứng vịt muối, thịt, gia vị thành từng bánh chả. Sau khi các bánh chả được phơi nắng cho se mặt thì được cất vào kho đá để dành về bờ làm quà cho gia đình, vì của quý hiếm chẳng ai có nhiều để bán. Chả trứng mực được nướng hoặc chiên cuốn bánh tráng rau sống. Miếng chả béo mọng, vàng nâu thơm nồng mũi được vị cay the của rau sống làm dịu độ ngậy.Nhưng nếu được ăn mực trứng tươi thì mới đã. Mực ống dài hơn gang tay ôm trứng tròn lẳng. Mực vừa vớt lên còn trong xanh nhìn suốt là thấy ngay hai bọc trứng. Nướng mực trên lửa than vừa chín vàng, cắt khoanh chấm nước mắm hoặc muối tiêu là nhất. Trứng mực nướng chín trắng ngà, óng ánh như đường phèn, cho vào miệng cảm giác hơi sừn sựt, vị béo thơm của trứng ngon khó tả hết. Trứng mực nướng mộc kiểu này phải ăn chung với cả con mực vì nhờ thịt mực dai, giòn, ngọt sẽ giải bớt cái vị béo ngậy của trứng, nếu ăn trứng mực không thì người ưa béo cũng khó ăn nổi một lúc hai cặp trứng vì ngán.
Chả trứng mực quết hầu như không thấy trong thực đơn “đồ biển” của ngư dân miền Trung. Nhưng họ lại có món khác là mực trứng muối, mực trứng muối lớn lắm chỉ dài cỡ ba lóng tay được muối nguyên con. Khi ăn, mang mớ mực trứng muối ngâm nước cho nhả bớt mặn rồi rim lên. Con mực trứng nhỏ xíu, đỏ màu cánh gián mằn mặn, dai dai ăn với cháo trắng nóng hổi, vị béo của trứng mực trở nên đằm thắm hoà cùng mùi thơm, vị béo của cháo trắng không gì hợp hơn. Có khi người ta làm dĩa mực trứng chiên giòn ăn kèm với rau răm, tương ớt. Mực trứng muối chiên giòn xem ra mặn mà hơn khô mực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét