6 tháng 8, 2008

(°`°º¤. Ẩm thực Huế .¤º°`°)

Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Hà, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực Nam Hà, ẩm thực Huế có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch nhẹ nhàng và tùng tiệm.

Người Huế ăn uống gắn liền với ba tiêu chí là: rẻ, ngon và nhất là phải đẹp.

Một món ăn không đẹp, không phải là một món ăn. Và với những tiêu chí đã nêu, người Huế ẩm thực đã chia ăn uống thành ba bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực.

Khẩu thực là cách ăn không dám coi thường nhưng là cách ăn thấp nhất, vì là ăn bằng miệng, và ăn để tồn tại . Nó dính dáng nhiều đến cơ chế sinh học như một cổ máy.

Đến nhãn thực, cách ăn đã cao hơn một bực – ăn bằng mắt. Thưởng thức cái đẹp trong sự đắn đo về màu sắc, hình khối, khả năng bày biện, xếp đặt để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ cao.

Lúc này cái đói đã chịu ngồi ở chiếu dưới, nhường chỗ cho những xúc cảm đã chớm thăng hoa. Nhưng cao hơn hết thảy vẫn là tấm lòng mình. Chẳng vì thế mà một bát nước rau muống luộc pha tí chanh tươi pha vào lại có thể đánh đổ biết bao sơn hào hải vị.

Một trong những món ăn được rất nhiều người Huế ưa thích là rau dại nấu canh tập tàng. Khó mà diễn tả cái mùi bách thảo lan tỏa khi mở vung nồi canh. Cái thơm bùi ngùi của chồi bí, một chút chan chát ngọt của rau bồ ngót, pha với chút hăng hăng của cây bồ hồi, rồi nào là dền gai, đọt thài lài non, nõn chuối chát, lá rau diếp cá ... Có cảm giác như cả thế giới rau dại đã cùng nhau dung dăng dung dẻ trong bát canh xanh ngăn ngắt. Gợi lên gốc gác rằng có một thời con người đã sống bằng hái lượm. Với tuổi trẻ thật khó có thể hiểu rằng bát canh rau dại nhỏ đã gói gắm trong nó cả một triết lý lớn về đời sống con người.

Trong ẩm thực, người Huế cũng mê gia vị đến mức cực đoan. Ngoài màu sắc đẹp, đồ gia vị mang lại cho vị giác nỗi thống khổ của cái ngon. Và trong bè giao hưởng hàng trăm loại gia vị, thì ớt vẫn là vị nhạc trưởng có chiếc mũ đỏ đầy quyến rũ. Người Nam – Bắc Hà du lịch Cố đô, vẫn cay tít với Huế từ bát bún bò điểm tâm buổi sáng. Rồi bún hến, cơm hến, cho đến nước chấm các loại bánh khoái, bánh nậm, bánh lọc ... với màu đỏ chói chang của ớt Huế.

Huế vẫn trong sắc tím bản màu truyền thống vốn dịu dàng đằm thắm mãi mãi của mình ...

Trở lại với phong cách ăn, người Huế xem ẩm thực gần như là một nghi lễ. Dù đơn giản hay bày biện phong phú, bữa ăn phải thanh tịnh, chén đĩa tươm tất, tư thế ngồi đằng thằng. Không lăng xăng, ồn ào trong lúc ăn. Đưa bữa là những câu chuyện gia đình vui vẻ. Hết sức tránh những chuyện buồn, chuyện đàm tiếu, tranh luận cải vã trong bữa.

Chính trong bầu không khí có vẻ như tôn nghiêm ấy, các thành viên trong gia đình ý thức nhiều hơn về sự bao dung và cẩn trọng trong hành xử hàng ngày. Thú vị nhất là với một món ăn, không bao giờ được dọn ra một lần mà được tiếp làm nhiều lần. Vừa tránh được cảm giác ối thừa thức ăn lại vừa giữ được thức ăn nóng suốt bữa ăn.

Do không nắm được nét ẩm thực khoa học này, nhiều người lần đầu ăn cơm khách Huế, đã ái ngại nhìn những chiếc dĩa con con mà không dám thực lòng. Văn hoá ẩm thực Huế là sự trả lời cho câu hỏi "ăn như thế nào?" chứ không phải "ăn cái gì?". Chính vì vậy ngay từ trong bếp núc các món ăn đã được châm chút nhiều lúc đến mức thái quá, để giữ riêng một vẻ đẹp đặc trưng. Dù món ăn đó là nem công, chả phụng, bào ngư hầm với canh hoa lý, miến cua gạch... đều được thực hiện với một cung cách kỹ lưỡng như nhau.

Theo thời gian, ẩm thực Huế đang lên ngôi và ngày càng phổ biến trong nước ...

Món ăn Huế đã theo chân người Huế làm một cuộc du hành ở những nơi mới đến, các món ăn có thay đổi chút ít để phù hợp với khẩu vị địa phương. Như vậy, những món ăn Huế lại sống tiếp một cuộc đời thứ hai với những tín đồ mới, ở những vùng đất mới.

Chính với cách ăn như một nghi lễ đời thường, người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Qua cái ăn, con người bộc lộ những cách nghĩ, cách cảm về cuộc đời. Đưa cái ăn vốn nằm dưới tầm thấp của bản năng lên hàng ngũ của cái đẹp, đó là những gì vô ngôn nhất mà người Huế nhân hậu đã dành cho loài rau dại và những chú hến nhỏ một đời vô danh dưới lớp bùn lưu cữu của Hương Giang.


Những Tiếng Rao Đêm

Trong cuộc sống ...Có bao nhiêu thức quà bánh, thì cũng có chừng ấy tiếng rao. Mà ngay cả những người bán cùng một mặt hàng quà bánh, tiếng rao cũng không có một chút gì giống nhau. Tiếng rao của các em nhỏ khác rất nhiều tiếng rao của người già. Phụ nữ rao hàng cũng khác đàn ông. Nó không chỉ mang sắc thái của giới tính, tuổi tác mà dường như thoảng trong tiếng rao là cái gì đó rất hoàn cảnh của một đời người.

Bạn có thể cảm được và hình dung được. Có một điểm chung là tiếng rao nào nghe cũng buồn buồn xa xót, cứ bị ngắt quãng ở những âm vực không thể ngờ được. Bạn hãy hình dung, vào một ngày mùa đông, mưa gió bão bùng, rét thâm tím phố, bỗng xé toanh màn đêm là tiếng rao khàn ... Rồi một cụ già nhỏ thó bó mình trong một tấm tơi mỏng, bước đi dò dẫm như thể không có mục đích. Hàng đêm, cứ vào một giờ nhất định, cụ lại đi qua ngõ phố nhà tôi.

Cho đến một ngày không thấy cụ nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét