6 tháng 8, 2008

Cà tím lăn bột-Thăn bò nướng-Đậu đen hầm thịt heo





Không kém phần thú vị ,
Nam Mỹ với hương vị rất riêng của các món được mọi người yêu chuộng trên khắp thế giới như: cơm với xúp đậu đen fei-joada truyền thống, các món nướng, các loại pasta salad...
Qua những vũ điệu samba sôi động , Nam Mỹ và ẩm thực cũng thế ,
Các bạn thử trổ tài nhé !

Cà tím lăn bột chiên

Nguyên liệu:

300g cà tím, 100g xà lách frise, 1 củ hành tây, 3 lá nguyệt quế tươi, 3 quả ớt hiểm, 1 thìa cà phê bột cay Brazil, 1 quả trứng gà, 10g bột xù, 10g bột chiên, 2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu, 1 thìa súp dầu ô liu, 100ml dầu ăn.

Thực hiện:

Cà tím rửa sạch, chẻ đôi dọc, cắt xéo 4 cm, ngâm qua nước muối, vớt ra để ráo. Ướp cà với muối, tiêu, bột cay. Lăn cà qua bột khô, nhúng vào trứng rồi lăn qua bột xù, cho vào chảo dầu nóng chiên vừa vàng. Xà lách rửa sạch, để ráo nước. Hành tây cắt sợi ngang mỏng. Ớt hiểm cắt lát xéo mỏng. Lá nguyệt quế tươi cắt chỉ nhỏ. Cho cà đã chiên vào hỗn hợp rau, cho dầu ô lia, muối, tiêu vào trộn đều.

Ngâm cà 10 phút với nước muối loãng cho cà trắng và sạch mủ ,khi vớt ra khỏi chảo bạn cho ngay vào trộn với hỗn hợp rau.

Thăn bò nướng

Nguyên liệu:

400g thăn bò, 3 lá nguyệt quế khô, 2 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê tiêu, 2 thìa súp dầu ô liu.

Thực hiện:

Thăn bò cắt ra cuộn thành hình chữ C, để lại lớp mỡ viền xung quanh. Lá nguyệt quế vò nát trộn với tỏi băm, muối, tiêu và dầu ô-liu. Phết hỗn hợp này lên miếng thăn bò, xiên vào ghim, ăn đến đâu phết gia vị nướng đến đấy.

Khi ăn cắt lát, dùng kèm với rau cải tím trộn mè và xốt tiêu đen, xốt nấm hoặc xốt rượu.

Khi bạn quết hỗn hợp gia vị vào miếng thịt bò thì nên nướng ngay để miếng thịt mềm và không bị khô.

Đậu đen hầm thịt heo

Nguyên liệu:

100g tai heo, 100g đuôi heo, 100g sườn heo, 100g đùi heo, 200g xúc xích, 200g đậu đen, 1 củ hành tây cắt hạt lựu, 3 là nguyệt quế khô, 2 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê gia vị nêm Brazil, 4 thìa súp dầu ô liu.

Thực hiện:

Tai, đuôi, sườn, đùi heo cắt vuông 3 cm. Đậu đen ngâm 2 giờ, rửa sạch, để ráo nước. Phi thơm hành tây với dầu, cho xúc xích cắt hạt lựu vào xào sơ, cho tiếp đậu đen, tai, đuôi, sườn, đùi heo vào xào khoảng 10 phút cho đậu đen ra màu thấm vào các nguyên liệu khác.

Đổ ngập nước vào, hầm từ 2-3 giờ, sau cùng cho lá nguyệt quế vào, nêm muối và gia vị nêm Brazil cho vừa ăn. Cho ra bát, để đậu đen 1 bên, thịt sang 1 bên, ăn nóng với cơm.

Để cho nước được đậm đà, sền sệt và đẹp màu bạn nên dùng thêm 100g đậu đen đã ngâm 2 giờ, đem xay nhuyễn, cho vào xào chung với đậu đen và thịt.

Những món từ măng -Canh măng chua

Măng chua được ủ từ măng tươi trong những hũ sành, có hai loại là măng giang và măng mai. Nếu là măng giang, đọt nhỏ bằng ngón tay, có thể để nguyên cả cái, còn măng mai, măng tre thường băm nhỏ hoặc thái lát mỏng, sau đó ngâm với nước có pha chút muối khoảng 2-3 ngày cho lên men.

Trong những miếng ngon của núi rừng, măng chua cũng là một món ăn ưa thích của đồng bào dân tộc. Miếng măng trắng ngà giòn tan, cả nước lẫn cái đều có đủ bốn vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua dễ kết hợp với nhiều món ăn khác nhau, đặc biệt nấu với cá trê hay thịt gà khiến bạn ăn quên no, đem lại cảm giác ngon mà không ngán...Tuy nhiên, trước khi chế biến, bạn nên luộc qua hoặc ngâm nước để loại bỏ những độc hại và miếng măng sẽ ngon, giòn hơn.

Một bát canh sẽ ngon miệng và tuyệt hơn khi kết hợp với măng chua. Những lát măng trắng ngần muối chua, giòn sần sật sẽ phá tan vị tanh của cá, tạo ra hương vị thanh mát cho bát canh. Với vị cay của ớt rừng, vị ngọt của gia vị, vị thơm, đậm đà của cá và vị chua của những lát măng đã lên men...Chỉ cần húp một chút nước canh cũng cảm nhận được sự béo ngậy, thơm mát và dường như giữa cái nắng cái gió khắc nghiệt của mảnh đất Tây Nguyên bao mệt mỏi, nhọc nhằn cũng tan biến hết.

Những loại rau quả có công dụng phòng ngừa ung thư

Rau quả tươi ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng, còn có tác dụng ức chế và chống ung thư (UT), bằng việc kích thích tổ chức tế bào sản sinh chất "gây nhiễu", nâng cao sức miễn dịch của người bệnh; ngăn cản tế bào UT sinh trưởng...

Cải thảo:

Chứa nhiều xơ, giúp ích cho việc phòng ngừa UT. Trong cải thảo còn chứa nguyên tố vi lượng selen và molybden cũng có tác dụng phòng chống UT.

Bắp cải:

Là loại chứa nhiều nguyên tố vi lượng molybden - chất này có tác dụng ức chế hình thành chất gây UT là nitrosamine, bắp cải cùng với bông cải, cải thảo... đã được các nhà khoa học trên thế giới liệt kê vào thực đơn chống UT.

Hẹ:

Trong y học cổ truyền, hẹ giúp ôn thận tráng dương (làm ấm thận, tăng sinh lực), giải độc. Còn y học hiện đại khám phá hẹ giúp phòng chống UT. Hẹ là chất bảo vệ tế bào rất hiệu quả, có chức năng chống oxy hóa gốc tự do, giảm nhẹ hay tránh gây tổn thương chức năng giữa màng tế bào và gien, từ đó bảo vệ tế bào chống lại sự xâm nhập của các chất gây UT, có tác dụng tăng cường sức miễn dịch cơ thể và sức chống UT.

Tỏi:

Thành phần tinh dầu có ích trong tỏi kích hoạt công năng nuốt của thực bào, tăng sức miễn dịch, từ đó nâng cao sức đề kháng. Tỏi ức chế sinh trưởng của vi khuẩn nitrobacterium trong dạ dày, từ đó giảm bớt sản sinh muối nitrat trong dịch vị, trong tỏi còn chứa nhiều chất chống UT như nguyên tố vi lượng selen. Việc thường xuyên dùng tỏi giúp dự phòng phát sinh UT dạ dày, UT thực quản. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học ở Mỹ qua nghiên cứu đã phát hiện trong tỏi có 3 hợp chất lưu huỳnh hữu cơ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào UT.

Bó xôi:

Theo y học cổ truyền, bó xôi có công dụng bổ máu, thông huyết mạch, trợ giúp tiêu hóa. Bó xôi có chứa chất kháng oxy hóa, giúp phòng chống UT. Còn nghiên cứu của Hàn Quốc phát hiện, thường ăn bó xôi giúp giảm nguy cơ mắc UT dạ dày.

Khổ qua:

Khổ qua có tác dụng thanh nhiệt, chống say nắng, giải độc, sáng mắt. Nghiên cứu cho thấy, thức ăn có vị đắng (trinitrophenol) có sức tiêu diệt mạnh đối với tế bào UT, trong khổ qua còn chứa một protein giúp nâng cao sức miễn dịch, phát huy tác dụng chống UT

Ăn xà lách xoong có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư do có tác dụng tiêu diệt các hóa chất gây tổn hại cho DNA

Các nhà khoa học thuộc Đại học Ulster (Anh) đã rút ra kết luận kể trên sau khi nghiên cứu trên hai nhóm người.

Một nhóm dùng thêm 90 gr cải xoong trong chế độ ăn hằng ngày và nhóm còn lại không dùng rau cải xoong. Sau 8 tuần, các chuyên gia xét nghiệm máu của những người tham gia. Kết quả cho thấy nhóm dùng cải xoong có hàm lượng chất chống ô-xy hóa cao và hàm lượng hóa chất gây hại cho DNA thấp, từ đó giúp giảm nguy cơ bị ung thư.

Các nhà khoa học tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã phát hiện ra chất chiết xuất từ quả ô-liu có thể giúp ngừa ung thư.

Một hợp chất tên là a-xít maslinic có trong quả ô-liu có thể giúp kiểm soát quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư và ngăn chặn chúng xuất hiện. Không giống như những chất chống chất sinh ung thư khác, a-xít maslinic là một hợp chất tự nhiên nên ít gây độc hại hơn.

Theo Hãng tin ANI, các chuyên gia chỉ mới thử nghiệm công dụng trị bệnh của chất a-xít maslinic trong việc điều trị ung thư ruột kết nhưng họ cho rằng nó cũng có tác dụng tương tự với nhiều loại khối u khác.

Quả Ô liu

Các nhà khoa học tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã phát hiện ra chất chiết xuất từ quả ô-liu có thể giúp ngừa ung thư.
Một hợp chất tên là a-xít maslinic có trong quả ô-liu có thể giúp kiểm soát quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư và ngăn chặn chúng xuất hiện. Không giống như những chất chống chất sinh ung thư khác, a-xít maslinic là một hợp chất tự nhiên nên ít gây độc hại hơn.

Theo Hãng tin ANI, các chuyên gia chỉ mới thử nghiệm công dụng trị bệnh của chất a-xít maslinic trong việc điều trị ung thư ruột kết nhưng họ cho rằng nó cũng có tác dụng tương tự với nhiều loại khối u khác.


Ung thư là một trong những căn bệnh gây tử vong hầu đầu với tỉ lệ tử vong lên tới 95% sau 2 năm phát bệnh ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây này cho thấy, một chế độ ăn giàu ngũ cốc như bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt và các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc khác sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát triển các khối u ác tính.

Một nghiên cứu với hơn 2.000 người tham gia đã cho thấy rất rõ mối liên quan giữa thói quen ăn ngũ cốc với sự tiến triển của các khối u ác tính ở tuyến tụy.

Nhóm ngũ cốc nguyên chất bao gồm:

- Gạo lứt tẻ

- Gạo lứt nếp

- Bánh mì lát làm bằng bột lúa mì nguyên chất (whole wheat), bột mì nguyên chất (whole flour).

- Yến mạch xay

- Hạt kê

- Lúa mạch.

Những người ăn ít nhất 2 khẩu phần ngũ cốc mỗi ngày, tương đương với 1 chén cháo gạo lứt hoặc cháo yến mạch, hoặc 2 lát bánh mỳ sẽ giảm tới 40% nguy cơ bệnh so với những người ăn ít hơn 1 khẩu phần.

Nghiên cứu của trường ĐH California, San Francisco này cũng lưu ý rằng những người ăn nhiều hơn 26,5g chất xơ mỗi ngày sẽ ít có nguy cơ ung thư tuyến tụy hơn 35% so với những người ăn dưới 15,6g chất xơ mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này cho thấy, khác với một số bệnh ung thư, chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ ung thư tuyến tụy. Một chế độ ăn giàu ngũ cốc không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch mà nó cũng giúp ngăn ngừa sự phát tác chết người của các khối u ác tính”.

Tuy nhiên, ăn nhiều ngũ cốc tinh chế và có vị ngọt chẳng hạn như các loại bánh rán mỗi tuần lại làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

TS June Chan, trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Từ kết quả nghiên cứu này đã củng cố giả thuyết ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám và các chất xơ tốt hơn là ăn các loại tinh bột có đường trong việc phòng ngừa ung thư tuyến tụy".


Ăn thường xuyên quả mâm xôi có thể ngăn ngừa ung thư thực quản phát triển

Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ) sau khi theo dõi tác dụng của quả mâm xôi đối với những bệnh nhân mắc chứng esophagus Barrett, tình trạng có thể chuyển sang bệnh ung thư thực quản.

Theo đó, các bệnh nhân nữ được ăn 32gr quả mâm xôi khô đông lạnh/người và khẩu phần cho các bệnh nhân nam là 45gr/người mỗi ngày trong 6 tháng. Các nhà khoa học đã đo nồng độ 2 hợp chất 8-isoprostane và GSTpi, dấu hiệu cho thấy tiến trình chuyển sang ung thư có diễn ra trong cơ thể hay không. Kết quả cho thấy chiết xuất từ quả mâm xôi giảm sự hủy hoại tế bào và làm dịu đi tình trạng ô-xy hóa tại thực quản, từ đó ngăn ngừa khả năng ung thư, theo Reuters dẫn lại.

Vỏ quýt có thể giúp ngừa một số loại ung thư

Theo Hãng tin Reuters, đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Y Dược Leicester (Anh).

Một hợp chất chứa trong vỏ quýt tên là Salvestrol Q40 có tác dụng tiêu hủy các tế bào ung thư ở người, vốn chứa một loại enzyme mang tên P450 CYP1B1. Phát hiện này mở ra một triển vọng sớm tìm ra các phương pháp hữu hiệu chữa trị các bệnh ung thư như ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt và buồng trứng.




Nước lựu ép có thể là một thứ "vũ khí" hữu hiệu trong việc chống ung thư tiền liệt tuyến.

Theo Báo The New York Times, các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) đã rút ra kết luận sau khi cho khoảng 50 nam giới bị ung thư uống nước quả Lựu.

Nam giới tham gia nghiên cứu đã được khuyên uống mỗi ngày một ly nước lựu ép khoảng 230 ml. Kết quả cho thấy bệnh tình của họ đã thuyên giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, có thể nước lựu ép đã có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư tiền liệt tuyến.




Một số hoa quả như càrốt, cà chua có những tính năng kỳ lạ - ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư phổi. Sau 12 năm theo dõi hàng nghìn người với chế độ ăn uống khác nhau, các bác sĩ của Trường ĐH Y khoa Harvard ở Boston (Mỹ) đã đưa ra lời khẳng định trên



Qua phân tích cho thấy: Trong càrốt chứa nhiều chất alpha - carotene và cà chua chứa nhiều lycopen. Các chất đó vào cơ thể qua thức ăn sẽ trở thành các hoạt chất carotenoids có tính năng như chất chống oxy hoá và góp phần triệt tiêu các phần tố tự do (FR) gây nguyên nhân huỷ hoại DNA của các tế bào. Sự tác động của các chất FR về lâu dài dẫn tới việc phát triển tốc độ lão hoá của tế bào và gây ra hàng loạt chứng bệnh nan y như ung thư.

Các thí nghiệm cho thấy sử dụng thường xuyên càrốt và cà chua ở dạng tươi đã ngăn ngừa hết sức có hiệu quả căn bệnh ung thư phổi. Thậm chí, những người nghiện thuốc thường xuyên ăn càrốt sống có tỷ lệ ung thư phổi thấp hơn 63% so với người nghiện nhưng không ăn loại quả này. Như vậy so với alpha-carotene, lycopene trong càrốt có vai trò quan trọng và tối ưu hơn trong việc ngăn ngừa ung thư phổi, bởi nó không dễ bị phân huỷ như các carotenoid khác và có khả năng hoá giải cao hơn đối với FR.

Uống hai tách trà một ngày có thể giảm nguy cơ ung thư da

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Dartmouth ở New Hampshire (Anh) so sánh thói quen uống trà của 1.400 người có bệnh ung thư da và 700 người không mắc bệnh này. Cuộc nghiên cứu cho rằng các hóa chất trong trà có tác dụng bảo vệ da.
Các nhà khoa học đã phỏng vấn những người mắc ung thư da, cùng với nhóm người mạnh khỏe, tuổi từ 25-74, về chế độ ăn uống, lối sống và thói quen uống trà xanh và trà đen của họ. Cả hai loại trà đều có nhiều chất chống ôxy hóa mà các nghiên cứu với động vật cho thấy có khả năng ngăn ngừa việc phát triển tế bào ung thư.

Ánh nắng mặt trời là một yếu tố góp phần gây ra khoảng 90% các trường hợp mắc ung thư da. Các chuyên gia ung thư Anh cảnh báo rằng cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư da là bảo vệ da.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu y khoa Cedars-Sinai (Mỹ) đã đi đến kết luận trên sau khi tiến hành thử nghiệm trên những con chuột đã được cấy các tế bào ung thư của người.
Những con chuột này được cho uống chiết xuất từ ớt 3 lần/tuần, mỗi lần 400 mg, tức tương đương 3-8 quả ớt tươi. Liệu pháp này đã giúp bệnh tình ở chuột thuyên giảm. Lý do là ớt có thể làm các tế bào ung thư tuyến tiền liệt dần dần tự hủy hoại. Ngoài ra, nó cũng làm chậm quá trình phát triển khối u ở tuyến tiền liệt. Giới chuyên môn cho rằng phát hiện này hứa hẹn khả năng tạo ra loại dược phẩm lấy chiết xuất từ ớt để chữa trị cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Theo các nhà nghiên cứu Israel, những cuộc thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy nấm linh chi tác động trực tiếp lên các tế bào ung thư
Nấm linh chi có thể chữa ung thư tuyến tiền liệt, một trong những căn bệnh đáng sợ nhất của giới mày râu. Theo AFP, các nhà khoa học thuộc Đại học Haifa (Israel) cho biết họ đã phát hiện các phân tử trong nấm linh chi (có tên khoa học là Ganoderma lucidum) giúp ngăn chặn một số cơ chế liên quan đến tiến trình phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Theo các nhà nghiên cứu Israel, những cuộc thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy nấm linh chi tác động trực tiếp lên các tế bào ung thư .
Chỉ cần ăn 2-3 bữa các loại rau cải mỗi tuần, bạn có thể an tâm tránh xa căn bệnh ung thư ruột kết.

Nguyên nhân là vì trong quá trình chế biến, những loại rau này sản sinh một chất đặc biệt gọi tắt là AITC, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

AITC thực chất là một sản phẩm của quá trình phá vỡ hợp chất sinigrin trong các loại rau họ cải như mù tạc, bắp cải, súp lơ, củ cải Thuỵ Điển, cải xoăn, wassabi... AITC xuất hiện khi cắt, chế biến và tiêu hóa rau. Theo các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Thực phẩm Anh, ngoài khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư ruột kết, AITC còn có thể ngăn chặn sự xâm lấn của khối u.

Kết quả nghiên cứu được tuyên bố đúng vào thời điểm Quỹ Ung thư Thế giới (WCRF) thông báo kế hoạch triển khai một nghiên cứu quy mô nhất từ trước tới nay về chế độ dinh dưỡng và căn bệnh ung thư. Trong đó, các nhà khoa học trên toàn cầu sẽ được giao nhiệm vụ tìm hiểu hơn 10.000 công trình liên quan, nhằm thiết lập một hướng dẫn tổng hợp, cụ thể và đáng tin cậy về loại thực phẩm nào con người cần ăn để chống ung thư. Nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố vào năm 2006.

Cho đến thời điểm này, nội dung nghiên cứu đã được phân bổ về một số viện nghiên cứu và đại học, trong đó các đại học ở Leeds và Bristol (Anh) sẽ chịu trách nhiệm đối chiếu thông tin về các loại ung thư tuyến tuỵ, dạ dày, bàng quang, tuyến tiền liệt và thận. Ở Mỹ, Đại học bang Pennsylvania sẽ tìm hiểu sâu về ung thư miệng và vòm họng, Đại học Johns Hopkins sẽ tập trung nghiên cứu về ung thư phổi và họng trên, Trường Kaiser Permanente sẽ nhận đề tài về ung thư tử cung. Tại Hà Lan sẽ là ung thư ruột kết, trực tràng, gan và túi mật; còn Viện Ung thư Italy sẽ tìm hiểu ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung.

Giáo sư Martin Wiseman, giám đốc dự án và cố vấn khoa học - y tế của WCRF, cho biết: "Bất cứ khi nào xuất hiện một nghiên cứu mới liên quan đến dinh dưỡng và ung thư, chúng sẽ hoặc là đối lập, hoặc là phức tạp hóa các kết quả trước đó. Hậu quả là người dân rất dễ bị rối, nhầm lẫn, thậm chí hoảng loạn. Đó là lý do vì sao cần phải tiến hành một công trình nghiên cứu tổng hợp, nhằm cung cấp những lời khuyên đáng tin cậy nhất dựa trên cơ sở khoa học. Nó sẽ làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm và giải toả mọi nghi ngờ về dinh dưỡng và căn bệnh ung thư từ trước tới nay".

Bắp cải chua“Sauerkraut”



Phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Đức, được gọi là “Sauerkraut”. Đây là một món ăn nổi tiếng không kém gì bia Đức.
Bắp cải chua có vị hơi chua, mềm và thơm mùi gia vị, giống như món đồ chua ở Việt Nam. Bắp cải chua thường được ăn chung với xúc xích hay giò heo quay giòn. Nó giúp tăng thêm sự ngon miệng và giảm đi độ béo, dễ tiêu hóa. Một số nghiên cứu cho thấy bắp cải chua là món ăn tốt cho sức khỏe. Trong bắp cải chua không có chất béo và cholesterol, có nhiều calorie, chất sơ, vitamin C, K, B6, chất sắt, folate, canxi và nhiều thành phần dinh dưỡng khác.

Bắp cải chua còn được dùng để nấu các món ăn nóng hoặc lạnh rất ngon miệng. Đây cũng là một nguyên liệu đa năng, có thể dùng để làm món khai vị, súp, hầm, salad và các món ăn chính khác.

Người ta cho rằng người Trung Quốc đã sáng tạo ra món bắp cải chua từ cách đây hơn 2.300 năm. Nguyên thủy món ăn này là bắp cải thái nhỏ được ngâm trong rượu. Những người xây Vạn Lý Trường Thành đã được thưởng thức món ăn này đầu tiên. Từ cuối thế kỷ 16, muối được dùng thay rượu để chế biến và cách làm này được sử dụng đến ngày nay.

Ở châu Âu, bắp cải chua được xem như một món ăn may mắn. Người Hà Lan ăn món gà nhồi với bắp cải chua vào dịp Giáng sinh để đánh dấu sự kết thúc của một năm và ăn món thịt heo với bắp cải chua để bắt đầu một năm mới.


Bắp cải chua

Món bắp cải chua được chế biến khá đơn giản.

Nguyên liệu:

1 kg bắp cải, 1 củ hành tây và một quả táo.

Nguyên liệu phụ:

Một chút muối, giấm.

Để tăng thêm hương vị, có thể chuẩn bị một ít hạt mù tạt, hạt đỗ tùng, hạt caraway, lá nguyệt quế.

Cách làm:

Bắp cải, hành tây, táo bào thành sợi, mỏng sau đó trộn đều với các nguyên liệu phụ rồi bỏ vào lọ thủy tinh nén thật chặt (càng nén chặt thì bắp cải càng ngon). Sau đó để trong phòng mát ở nhiệt độ khoảng 6 độ C. Bắp cải được ủ sẽ lên men, axit lactic được tạo ra và đây chính là chất tạo nên hương vị độc đáo của món ăn. Khoảng 20 ngày sau có thể đem ra dùng được.

Mỗi lần sử dụng bắp cải chua để nấu món ăn, lấy ra một số lượng cần dùng rồi đem nấu chín.

Tùy khẩu vị của từng người mà có thể thêm một ít dầu, muối hoặc bia để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Thịt lợn sốt barbecue

Thịt lợn sốt barbecue
Nguyên liệu:

- 300 gr thịt thăn lợn (cắt thành miếng to bản)

- 1 củ hành tây

- Ngũ vị hương

- Sốt barbecue

- 1/2 lon bia

- Muối, hạt tiêu, đường, hạt nêm, dầu ăn.

Cách làm:

Thịt rửa sạch, cắt miếng to bản, ướp thịt với hạt tiêu, ngũ vị hương, chút đường, muối khoảng 20 phút.

Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn.

Cho ít dầu vào chảo, rán thịt cho đến khi chín vừa.

Làm sốt: Cho bia vào nồi, cho thêm sốt barbecue, khuấy đều tay khoảng 5 phút.

Cho thịt, hành tây vào nồi, đun chín là được.

Cho ra đĩa, dùng nóng.


Cá tuyết sốt hồi

Một món ăn mang phong cách Âu để làm mới thực đơn cho gia đình bạn nhé!

Cá tuyết sốt hồi

Nguyên liệu:

- Cá tuyết 4 miếng, 160gr

- Dầu oliu, quế hồi, lá thì là tươi, lá thơm tươi, rượu trắng

Nguyên liệu sốt:

Hành lá, lá thơm, bơ, hành tím, thì là, rượu trắng, rượu Pastis, trứng, kem tươi, đường, bơ, lá mùi thơm, bơ trộn.

Cách làm :

- Đặt cá tuyết trong chảo

- Thêm quế hồi, lá thơm và thì là

- Làm cháy cá trong rượu trắng

- Bỏ lò khoảng vài phút

Cách chuẩn bị sốt

Chiên hành lá, lá thơm, hành tím và thì là với bơ. Sau đó thêm rượu trắng, rượu Pastis và kem tươi. Đánh lòng trắng trứng và để riêng một bên. Trước khi dọn lên, thêm lòng trắng trứng.

Hành tím chiên vàng với bơ và đường, thêm lá mùi với bơ trộn. Đút lò khoảng 10 phút.

Trình bày:

Cho cá lên đĩa, rưới nước sốt lên cá. Trang trí hành tím đã đút lò xung quanh.

Cá tuyết rưới sốt gừng hành

Một kiểu nấu khác

Cá tuyết chia ra làm 2 phần mình cá và đầu cá. Mình cá lọc bỏ xương .Phần đầu cho vào tủ lạnh để dành làm món khác. Vì với cá tươi, đầu xương cánấu canh chua sẽ rất ngọt và thơm.

Phần cá phi lê thì mình làm thành món cá rán rồi rưới sốt xì dầu với gừng hành. Da cá được rán giòn, thịt cá mềm và ngọt, sốt gừng hành ngấm vào cá rất thơm.

Salad surim


Một món surimi truyền thống Nhật Bản, vừa là cá mà cũng không phải cá
Nguyên liệu:

- 500g surimi (mua ở quầy đông lạnh trong siêu thị)

- Ớt Đà Lạt xanh, đỏ tùy thích

- 2 củ hành tây- Ngò rí

- 1 trái cam- 50ml nước cốt chanh

- 1 muỗng dầu oliu- 1 muỗng muối tiêu

Thực hiện:

- Surimi cắt thành từng khoanh tròn dày 1 cm.

- Ớt xắt sợi.

- Hành tây xắt khoanh tròn.

- Ngò rí xắt nhuyễn.

- Cam gọt vỏ tách thành từng múi, bỏ hột.

- Pha dầu oliu với muối tiêu và nước cốt chanh, khuấy đều.

- Cho tất cả nguyên liệu vào thố lớn trộn đều để ngấm 15 phút.

- Dọn ra đĩa hoặc từng ly thủy tinh thấp.

Surimi ngon cũng không kém tôm, thịt...phải không các bạn?

Mì ý xào cà chua

Đây là một món ăn kiểu Âu rất dễ chế biến. Với một chút dầu oliu, xúc xích cay, sốt cà… món mì quen thuộc trở nên lạ miệng.

Nguyên liệu:

- 200gr mì dẹp luộc chín

- 10ml dầu oliu

- 70gr xúc xích cay

- 100gr sốt cà

- 20gr đậu tipo luộc chín

- Một ít lá thơm

Cách làm:

- Luộc chín mì dẹp

- Xào hỗn hợp gồm xúc xích cay, đậu tipo với dầu oliu, sau đó cho sốt cà vào.

- Chan sốt lên mì hay trộn đều mì với hỗn hợp sốt.

- Cho lá thơm bằm rải trên mặt

- Dùng kèm phô mai bột


Mì ý xào cà chua

Nguyên liệu:

- 200 g mì Ý sợi dẹt (linguine) hoặc sợi tròn, cà chua, húng quế

- Hành tây 1 củ xắt hạt lựu

- 4 nhánh tỏi, xắt nhuyễn

- 2 thân rau cần tây, xắt khúc 1 cm

- 1/2 chén nước xốt cà chua nấm

- 1/4 chén dầu ôliu; một nhúm rau ngò tây, xắt nhuyễn

- Muối, tiêu, gia vị; một miếng pho mát.

Cách làm:

Luộc mì Ý để ráo nước. Bắc một chảo lớn và để lửa vừa, cho dầu ôliu vào. Khi dầu sôi, cho hành tây và cần tây vào xào sơ cho chín mềm, thêm một ít muối và tiêu. Cho tiếp cà chua xắt nhuyễn vào xào chung với tỏi, húng quế khoảng 10 phút. Sau đó cho mì Ý vào trong hỗn hợp, trộn thật đều tay, không để mì bị dính. Cuối cùng, cho nước xốt cà chua nấm vào và trộn thêm một lần nữa để từng sợi mì ngấm đều gia vị. Rắc ngò tây lên trên.

Món này ăn nóng hay nguội đều ngon, ăn chung với pho mát.

Chả lươn nướng -Đùi gà nướng

Lươn vừa thơm ngon vừa có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường dương khí, giúp máu huyết lưu thông, giảm trừ phong thấp, đau nhức xương sống, chữa bệnh suy dinh dưỡng…Dưới đây là cách làm món ăn này.

Nguyên liệu:

- Lươn béo: 0,500 kg

- Nghệ: 0,020 kg

- Mỡ phần: 0,200 kg

- Riềng: 0,020 kg

- Mỡ nước: 0,020 kg

- Tỏi khô: 0,010 kg

- Đường: 0,020 kg

- Mẻ: 0,030 kg

- Rau xà lách: 0,300 kg

- Lá chanh to: 20 lá

- Nước mắm, muối, chanh, ớt, hạt tiêu, rau thơm, lá hẹ, lá lốt.

Cách làm:

- Riềng nghệ gọt rửa sạch, giã nhỏ mịn. Tỏi bóc vỏ, đập giập, băm nhỏ. Lá chanh thái chỉ. Rau thơm, xà lách, lá lốt, lá hẹ nhặt rửa sạch, để ráo.

- Mẻ hòa vào ít nước, lọc lấy nước đặc.

- Lươn làm sạch, lạng lấy thịt, thái miếng bằng nửa bao diêm, rắc ít muối, tỏi, riềng, nghệ (đã giã) bóp kỹ, ướp 15 phút. Tiếp đó cho nước mẻ, đường, nước mắm vào trộn đều ướp thêm 15 phút nữa.

- Mỡ phần rửa sạch, thái miếng mỏng.

- Xếp các miếng lươn đã tẩm ướp lên vỉ lưới thép (hay cặp bằng que tre tươi), rắc lá chanh, hạt tiêu và đặt các miếng mỡ phần vào giữa, úp thêm các miếng lươn lên trên. Cặp vỉ lại đem nướng trên than hoa cho các miếng lươn chín vàng. Khi nướng thỉnh thoảng bôi mỡ nước lên thịt lươn, trở đều cho thật chín kỹ, bóng mỡ và thơm. Nướng xong gỡ chả lươn ra đĩa, ăn nóng chấm nước mắm pha đường, chanh, ớt, tỏi vừa chua vừa ngọt. Ăn kèm với rau xà lách, rau thơm, lá hẹ, lá lốt non.

Yêu cầu thành phẩm:

Chả lươn ngấm đậm gia vị, nướng chín vàng, thơm ngon.

Đùi gà nướng
Món gà nướng bao giờ cũng hấp dẫn bởi lớp da giòn, thịt mềm, thơm ngon. Một chút muối ớt, mật ong, bơ, sẽ làm món gà nướng quen thuộc trở nên lạ miệng và ngon hơn.

Nguyên liệu:

- 1 miếng đùi gà góc tư

- 1 muỗng canh bơ

- 1 muỗng canh muối ớt

- 1 muỗng canh mật ong

- 150g hành tây tím

- 250g bắp cải tim

- 150g rau răm

- 1 trái ớt sừng đỏ, lá rau húng trang trí.

Thực hiện:

- Đùi gà rửa sạch, thấm khô, dùng tăm xăm đều thịt gà, sau đó xát muối ớt lên mặt trong và ngoài, để khoảng 3 giờ cho ngấm gia vị .

- Hành tây tím bóc vỏ, rửa, bào sợi, ướp dấm và đường 15 phút, vắt ráo, gỡ rời cho vào tủ lạnh.

- Bắp cải tim bào sợi, rửa, vẩy ráo, cho vào tủ lạnh.

- Rau răm nhặt, rửa để ráo.

- Ớt sừng rửa, bỏ cuống và hạt, bào sợi.

- Làm nóng lò 5 phút, quết bơ và mật ong lên miếng gà, cho vào lò nướng vàng.

- Trộn đều bắp cải tím + hành tây + ớt sừng.

- Trải rau răm trong lòng đĩa, đặt miếng đùi gà nướng lên trên, trải hỗn hợp rau bắp cải, hành tây ớt sừng viền quanh miến gà.

Trang trí lá rau húng. Dọn với tương ớt.


Nhãn - Trái cây tốt cho sức khỏe



Nhãn với vị ngọt, thơm, là một loại trái cây rất được yêu thích. Đây còn là món trái cây đem lại cho bạn sức khỏe tốt với các công dụng như sau:
Nhãn được dùng như vị thuốc trị các bệnh dạ dày, chứng mất ngủ, hay quên và bệnh phù chân tay.


Nước nhãn bổ cho tim và lá lách, giúp cho mạch máu lưu thông tốt
Các hoạt động của hệ thống thần kinh cũng sẽ họat động tốt nếu bạn uống loại nước trái cây này thường xuyên.
Nhãn sấy khô là phương thuốc điều trị các bệnh mất ngủ và suy nhược thần kinh.
Nhãn cũng là loại trái cây có thể giúp cầm máu được tốt.
Nhãn có chứa chất saponin, giúp mái tóc bạn mượt mà hơn.

(°`°º¤. Ẩm thực Huế .¤º°`°)

Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Hà, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực Nam Hà, ẩm thực Huế có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch nhẹ nhàng và tùng tiệm.

Người Huế ăn uống gắn liền với ba tiêu chí là: rẻ, ngon và nhất là phải đẹp.

Một món ăn không đẹp, không phải là một món ăn. Và với những tiêu chí đã nêu, người Huế ẩm thực đã chia ăn uống thành ba bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực.

Khẩu thực là cách ăn không dám coi thường nhưng là cách ăn thấp nhất, vì là ăn bằng miệng, và ăn để tồn tại . Nó dính dáng nhiều đến cơ chế sinh học như một cổ máy.

Đến nhãn thực, cách ăn đã cao hơn một bực – ăn bằng mắt. Thưởng thức cái đẹp trong sự đắn đo về màu sắc, hình khối, khả năng bày biện, xếp đặt để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ cao.

Lúc này cái đói đã chịu ngồi ở chiếu dưới, nhường chỗ cho những xúc cảm đã chớm thăng hoa. Nhưng cao hơn hết thảy vẫn là tấm lòng mình. Chẳng vì thế mà một bát nước rau muống luộc pha tí chanh tươi pha vào lại có thể đánh đổ biết bao sơn hào hải vị.

Một trong những món ăn được rất nhiều người Huế ưa thích là rau dại nấu canh tập tàng. Khó mà diễn tả cái mùi bách thảo lan tỏa khi mở vung nồi canh. Cái thơm bùi ngùi của chồi bí, một chút chan chát ngọt của rau bồ ngót, pha với chút hăng hăng của cây bồ hồi, rồi nào là dền gai, đọt thài lài non, nõn chuối chát, lá rau diếp cá ... Có cảm giác như cả thế giới rau dại đã cùng nhau dung dăng dung dẻ trong bát canh xanh ngăn ngắt. Gợi lên gốc gác rằng có một thời con người đã sống bằng hái lượm. Với tuổi trẻ thật khó có thể hiểu rằng bát canh rau dại nhỏ đã gói gắm trong nó cả một triết lý lớn về đời sống con người.

Trong ẩm thực, người Huế cũng mê gia vị đến mức cực đoan. Ngoài màu sắc đẹp, đồ gia vị mang lại cho vị giác nỗi thống khổ của cái ngon. Và trong bè giao hưởng hàng trăm loại gia vị, thì ớt vẫn là vị nhạc trưởng có chiếc mũ đỏ đầy quyến rũ. Người Nam – Bắc Hà du lịch Cố đô, vẫn cay tít với Huế từ bát bún bò điểm tâm buổi sáng. Rồi bún hến, cơm hến, cho đến nước chấm các loại bánh khoái, bánh nậm, bánh lọc ... với màu đỏ chói chang của ớt Huế.

Huế vẫn trong sắc tím bản màu truyền thống vốn dịu dàng đằm thắm mãi mãi của mình ...

Trở lại với phong cách ăn, người Huế xem ẩm thực gần như là một nghi lễ. Dù đơn giản hay bày biện phong phú, bữa ăn phải thanh tịnh, chén đĩa tươm tất, tư thế ngồi đằng thằng. Không lăng xăng, ồn ào trong lúc ăn. Đưa bữa là những câu chuyện gia đình vui vẻ. Hết sức tránh những chuyện buồn, chuyện đàm tiếu, tranh luận cải vã trong bữa.

Chính trong bầu không khí có vẻ như tôn nghiêm ấy, các thành viên trong gia đình ý thức nhiều hơn về sự bao dung và cẩn trọng trong hành xử hàng ngày. Thú vị nhất là với một món ăn, không bao giờ được dọn ra một lần mà được tiếp làm nhiều lần. Vừa tránh được cảm giác ối thừa thức ăn lại vừa giữ được thức ăn nóng suốt bữa ăn.

Do không nắm được nét ẩm thực khoa học này, nhiều người lần đầu ăn cơm khách Huế, đã ái ngại nhìn những chiếc dĩa con con mà không dám thực lòng. Văn hoá ẩm thực Huế là sự trả lời cho câu hỏi "ăn như thế nào?" chứ không phải "ăn cái gì?". Chính vì vậy ngay từ trong bếp núc các món ăn đã được châm chút nhiều lúc đến mức thái quá, để giữ riêng một vẻ đẹp đặc trưng. Dù món ăn đó là nem công, chả phụng, bào ngư hầm với canh hoa lý, miến cua gạch... đều được thực hiện với một cung cách kỹ lưỡng như nhau.

Theo thời gian, ẩm thực Huế đang lên ngôi và ngày càng phổ biến trong nước ...

Món ăn Huế đã theo chân người Huế làm một cuộc du hành ở những nơi mới đến, các món ăn có thay đổi chút ít để phù hợp với khẩu vị địa phương. Như vậy, những món ăn Huế lại sống tiếp một cuộc đời thứ hai với những tín đồ mới, ở những vùng đất mới.

Chính với cách ăn như một nghi lễ đời thường, người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Qua cái ăn, con người bộc lộ những cách nghĩ, cách cảm về cuộc đời. Đưa cái ăn vốn nằm dưới tầm thấp của bản năng lên hàng ngũ của cái đẹp, đó là những gì vô ngôn nhất mà người Huế nhân hậu đã dành cho loài rau dại và những chú hến nhỏ một đời vô danh dưới lớp bùn lưu cữu của Hương Giang.


Những Tiếng Rao Đêm

Trong cuộc sống ...Có bao nhiêu thức quà bánh, thì cũng có chừng ấy tiếng rao. Mà ngay cả những người bán cùng một mặt hàng quà bánh, tiếng rao cũng không có một chút gì giống nhau. Tiếng rao của các em nhỏ khác rất nhiều tiếng rao của người già. Phụ nữ rao hàng cũng khác đàn ông. Nó không chỉ mang sắc thái của giới tính, tuổi tác mà dường như thoảng trong tiếng rao là cái gì đó rất hoàn cảnh của một đời người.

Bạn có thể cảm được và hình dung được. Có một điểm chung là tiếng rao nào nghe cũng buồn buồn xa xót, cứ bị ngắt quãng ở những âm vực không thể ngờ được. Bạn hãy hình dung, vào một ngày mùa đông, mưa gió bão bùng, rét thâm tím phố, bỗng xé toanh màn đêm là tiếng rao khàn ... Rồi một cụ già nhỏ thó bó mình trong một tấm tơi mỏng, bước đi dò dẫm như thể không có mục đích. Hàng đêm, cứ vào một giờ nhất định, cụ lại đi qua ngõ phố nhà tôi.

Cho đến một ngày không thấy cụ nữa...

Vị ngon...của Huế

Vị ngon Huế chẳng nơi nào có được

Người Huế vẫn tìm những cái cầu kỳ trong ăn uống để khẳng định sắc thái của mình. Món ngon ở Huế bao gồm cả nghệ thuật "nêm nấu" pha chế, nghệ thuật thưởng thức tinh tế, ẩn chứa những triết lý sâu xa trong bản sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Huế từng là chốn đế đô, nơi lối sống của tầng lớp quý tộc và thượng lưu luôn được đề cao nên thực đơn và cách chế biến món ăn Huế mang tính công phu, tỉ mỉ.

Đãi ăn bằng mắt

Món ăn của người Huế thường được chế biến cầu kỳ và trình bày nhiều màu sắc. Trong bát phở Hà Nội, nước dùng chan phải trong mới đủ tiêu chuẩn.

Còn phở, bún của người Huế thì có màu đục, vị vàng nổi trên bề mặt, màu xanh của ngọn hành tươi, màu đỏ của vài lát ớt xếp trên bát là một yếu tố thiết yếu về màu sắc trong cách chế biến.

Người Huế đãi "ăn bằng mắt" trước khi ăn bằng miệng. Mặc dù cũng sử dụng các loại gia vị ớt, hành, tỏi, gừng, nghệ... vào chế biến món ăn. Nhưng người Huế đã kỳ công hóa việc sử dụng này như một nghệ thuật.

Nấu ăn Huế phải đạt 3 tiêu chuẩn: bổ, thơm, rẻ. Muốn được như thế thì gia vị đóng vai trò rất quan trọng. Người Huế thường ăn chua, ăn đắng nên không dùng nhiều đường và nước dừa như người miền Nam. Một món ăn dù với những loại thực phẩm bình thường nhưng được chế biến thơm ngon, bày biện đẹp mắt luôn hấp dẫn và kích thích khẩu vị thực khách.

Để tạo ra sự hài hòa về mùi và vị, người Huế thường mất nhiều công và chú trọng chọn gia vị nêm hơn là các vật liệu chế biến. Như món le le thường phải sử dụng đến một danh sách dài những đồ phụ gia như rượu, xì dầu, tỏi, gừng, tương, đường, ngũ vị hương, măng, sen, nấm, táo, đậu...

Cơm vua

Cơm cung đình: là tập hợp các món ăn được chế biến công phu tỉ mỉ theo các món ăn của hoàng tộc xưa. Trong bữa cơm tất cả đồ dùng như chén, bát, tô, đĩa ... đều là đồ men đẹp nổi tiếng. Thực khách như một vị vua, khoác các bộ y phục của triều đình, dùng bữa trong khung cảnh cung đình xưa với tiếng nhạc cung đình, dưới lọng che của lính canh và sự phục vụ tận tình của các cung nữ...

Thực khách chủ yếu của loại dịch vụ này là khách du lịch nước ngoài. Trong các nhà hàng hay khách sạn, những món ăn cung đình được chế biến để phục vụ cho các thực khách -như phượng hoàng khai vị, súp cua nóng, nem rán, tôm phích, gà -nấu đậu, cơm Hương Giang... tất cả đều là những sản vật nổi tiếng tươi ngon và nhiều chất dinh dưỡng của xứ Huế thơ mộng và hiếu khách.

Đặc sản bình dân

Bánh bột lọc:

Bánh làm theo 2 kiểu, lọc gói và lọc trần.

Nguyên liệu làm bánh bột lọc là từ sắn tươi được xay nhuyễn, lắng bột rồi đem phơi khô. Thứ hai, bột sắn được nhào và lọc bằng nước sôi, rồi nặn bột thành hình tròn và mỏng. Bỏ nhân vào, ép lại thành hình bán nguyệt nhỏ.

Nhân bánh thường là tôm và thịt mỡ kho rim với nước mắm, muối tiêu, hành, đường, ớt. Sau đó, bỏ vào nước sôi luộc khoảng 15 - 20 phút. Khi nào thấy bánh trong suốt là được. Với bánh lọc gói, thay vì nhồi bột thì người nội trợ thường giáo bột, cho nước lạnh vào với tỷ lệ vừa phải, đặt lên xửng hấp.

Bánh lọc gói khác bánh lọc trần ở chỗ người ăn không thấy ngay được nhân tôm thịt hấp dẫn ở bên trong. Tuy nhiên cái thú được bóc lá, được đụng tay vào chiếc bánh thường tạo cho thực khách cảm giác ăn thú vị hơn.

Cả hai loại bánh được ăn chung với nước chấm pha chế khá khéo, mùi thơm của tỏi và chanh, mùi cay nồng của ớt và vị ngọt thoảng qua của đường...

Bánh bèo Huế:

Gạo được xay nhuyễn, khuấy đều cho thêm muối và mỡ rồi bắc lên bếp, phải luôn tay đảo để bột khỏi vón cục, sau đó múc đầy khuôn rồi hấp cách thủy khoảng 15 - 20 phút. Khuôn bánh bèo có thể là những ô gỗ hay là những chén nhỏ. Nhân bánh làm từ tôm giã nhuyễn sau đó rang trên chảo mở nóng, phi hành thật thơm với hỗn hợp muối, bột ngọt, tiêu... nhờ tài chế nước chấm nhạt bằng tỏi, ớt nên bánh càng thêm ngon.

Cơm hến:

Khách đến Huế thường rất thích cách làm cơm hến Huế. Đây là món ăn đòi hỏi sự khéo léo và công phu của người nội trợ.

Cơm hến có 21 chất liệu như: hến, ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc sống, bánh tráng nướng bóp vụn, muối rang, đậu phụng hay mè rang, dạ dày heo rán, mỡ và tóp mỡ, bột ngọt cuối cùng là cơm, các loại rau thơm, bắp chuối, cọng môn bạc hà xắt nhỏ, khế chua, tỏi, đường, hành khô chiên mỡ, gừng.

Nguyên tắc là tất cả chất liệu trên đều phải để nguội nhưng nước hến thì luôn luôn giữ nóng trên bếp than. Cơm hến Huế là món thể hiện cách ăn với năm giác quan: nghe, nhai, nếm, chạm và ngửi đặc trưng nhất của người Huế.

Bánh khoái:

Là loại bánh chuẩn bị cần sự kỹ càng, khéo léo...

Bánh được làm từ bột gạo, khuấy cùng nước lạnh pha thêm ít muối, đường. Nhân bánh được làm bằng tôm, thịt nạc, nấm xào chung với nhau.

Khi khuôn bánh trên lò nóng tráng dầu cho sôi rồi múc bột rải đều nhân bánh lên trên và đậy nắp đợi chín, sau đó mở ra cho thêm giá và rải tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên mặt bánh.

Vài phút sau, gấp đôi bánh, lật lại mặt cho chín giòn rồi bày ra đĩa. Bánh khoái nóng được ăn kèm với rau sống và nước lèo. Nước lèo phải làm từ bột xúp sền sệt đầy hương vị, nấu từ gan lợn băm nhỏ, tương đậu nành, đậu phụng, mè và muối, ớt, tỏi, đường... Rau sống để ăn kèm với bánh thường rất đa dạng với các loại vả, chuối chát, khế, rau thơm, cải con.

Bún bò, giò heo Huế:

Bún là thứ hàng ăn nơi nào cũng có như bún riêu, bún ốc, bún thang, bún chả cá, chứ không riêng gì Huế. Nhưng Huế vẫn nổi tiếng với món bún bò giò heo không nơi nào bắt chước được. Bún bò giò Huế thường là sự tổng hợp của rất nhiều chất liệu chế biến như sợi bún trắng, bò nhúng vừa chín tái, chả cua, chả thịt giò heo, thịt nạc, thịt gân hầm mềm rục...

Với các thực khách sành ăn, bún bò giò heo Huế thường để lại trong họ vị cay xè của ớt, vị ngọt lịm của nước hầm, vị béo của miếng thịt bò và vị nóng hổi của nước bún đang bốc khói.

Nem, tré:

Để cho ra đời một lọn nem nhỏ bằng bốn ngón tay, những người nội trợ Huế phải qua nhiều công đoạn như quết thịt heo nhuyễn rồi đem trộn với da heo thái mỏng cộng thêm hỗn hợp gia vị: mè, đường, muối, bột ngọt, tiêu; sau đó gói chặt và đóng thành một xâu dài. Muốn cho nem cứng, chặt, ăn giòn và ngon, người ta thường phải cho vào nhiều lớp lá, nếu ít lá lọn nem sẽ mềm và ăn không ngon. Thông thường trời nắng, nem để khoảng 2 ngày là chín, còn trời lạnh để khoảng 3 ngày mới ăn được. Cùng với nem là tré, nem - tré thường đi đôi với nhau.


Huế là trung tâm phật giáo nên việc chế biến các món chay Huế được phát triển và nâng lên đến hàng nghệ thuật. Du khách đến đây thường rất kinh ngạc trước khả năng chế biến món chay của người Huế.

Món chay không chỉ thể hiện cái lạ, cái ngon ở món ăn mà còn thông qua đó thể hiện khả năng sáng tạo, quan niệm sống hài hòa của người Huế. Nguyên liệu vẫn là của thực phẩm chay, nhưng thực khách được nếm các món ăn với hình thức hấp dẫn như trong đời sống dân dã như mì xào thập cẩm, hoành thánh, thịt heo quay kho, gà xé phay, bít tết, nem nướng, chả lụa hoặc tôm kho tàu, cháo gà...Và đây thực sự là những món ăn luôn mang lại sự ngạc nhiên và niềm thích thú của mọi người trước tài sáng tạo của người nội trợ Huế.